Nhắc đến cụ tổ của sân khấu Cải lương – Đờn ca tài tử, người ta sẽ nhớ ngay đến cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông cũng chính là cha đẻ của bản hát mang đậm dấu ấn, trường tồn trong lòng khán giả – Dạ Cổ Hoài Lang. Dù đã 100 năm rồi, nhưng dường như, khi nhắc đến Cải lương, “Dạ Cổ Hoài Lang” vẫn luôn là đỉnh cao nghệ thuật. Tác phẩm đã đưa nghệ thuật Cải lương lên đỉnh vinh quang rực rỡ một thời.

Chân dung cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976). Nguồn: VOV Giao thông
Ông Cao Văn Lầu sinh ngày 22 tháng 12 năm 1892 tại Long An. Sau đó, ông Cao theo gia đình đến Bạc Liêu lập nghiệp vào năm 1901 và ở luôn tại đó cho đến hết đời. Ông qua đời ngày 13 tháng 8 năm 1976. Ông có khả năng chơi thành thạo các loại nhạc cụ gồm đàn tranh, cò, kìm và trống lễ. “Dạ Cổ Hoài Lang” được viết vào năm 1919, đây được xem là tiền thân của các bài vọng cổ ngày nay. Bài hát như để trút cạn nỗi niềm, tâm sự khi phải xa vợ.
Hoàn cảnh ra đời của bản “Dạ Cổ Hoài Lang” cụ thể như sau: Năm 20 tuổi, cha mẹ ông thúc ép bắt ông phải thành hôn với cô gái vùng biển Bạc Liêu tên Trần Thị Tấn. Hai vợ chồng chung sống với nhau suốt 3 năm trời nhưng vẫn không có một mụn con nào. Vì vậy, mẹ ông bắt phải đem trả vợ về cho cha mẹ đẻ bởi quan niệm ngày xưa “tam niên vô tử bất thành thê” (3 năm không con không thành vợ). Ông thương vợ nên cứ chần chừ mãi cho đến khi bà Tấn nói rằng: “Má không cho mình làm vợ chồng thì em về với ba má em. Anh kiếm vợ khác để có con cho má vui”.
Ông nắm tay bà đi hết bờ ruộng này đến bờ ruộng khác. Nhưng rồi đến lúc cũng phải chia tay, ông không nỡ rời xa bà, bịn rịn mãi đến khi trời sụp tối, ông bà mới chịu chia tay nhau. Sau ngày chia tay ấy, cứ mỗi chiều, ông Cao lại mang đàn ra bờ ruộng khảy nên những khúc nhạc nghe thật bi ai. Tiếng nhạc như chất chứa bao nỗi lòng của ông, cùng tình yêu và nỗi nhớ nhung vô bờ của ông dành cho người con gái mà ông không thể quên được.
Với tâm trạng một người đàn ông nhớ vợ, ông đã tạo nên bản hoài lang (nhớ vợ). Ông luôn nghĩ vợ mình sẽ nhớ mình nhiều hơn. Nên trong một dịp tình cờ, trong lúc chơi nhạc, xa xa văng vẳng tiếng trống canh, tiếng gõ khô khóc đã nói lên đúng tâm trạng và nỗi lòng của ông để rồi từ đó bài hát “Dạ cổ hoài lang” (Dạ là đêm, cổ là trống. Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng) ra đời.
Mặc dù chia tay, nhưng hễ có dịp thăm vợ, có bao nhiêu tiền ông đều cho bà. Một người quen nhìn thấy cảnh gặp gỡ bí mật của vợ chồng ông Cao khổ quá, nên đã nói ông dắt vợ về chỗ của bà cho tiện qua lại. Vài tháng sau, bà Tấn có thai. Ông liền rước bà quay về nhà, sau đó ông bà có với nhau 7 người con (5 trai, 2 gái). Thật là một cái kết viên mãn cùng sự thăng hoa trong sự nghiệp sau sự ra đời của tác phẩm “Dạ cổ hoài lang”.
Bộ tranh về một phần cuộc đời của Cao Văn Lầu cùng sự ra đời của tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” được một 9x tung ra nhằm kỷ niệm 100 năm khúc bản ca bất hủ được ra đời. Xem tại: https://tuoitre.vn/tram-nam-da-co-hoai-lang-ngam-bo-tranh-ve-cuoc-doi-cua-cao-van-lau-20191119160430751.htm
Giá trị độc đáo của tác phẩm bởi nó tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để bản nhạc lột xác từ nhịp đôi tăng thành nhịp 64. Cho đến khi các nghệ sĩ, danh ca, danh cầm xác định điểm thăng hoa của bản nhạc là nhịp 32, một điểm đến vừa đủ để tác phẩm được tỏa sáng cũng như các tác giả cổ nhạc gửi gắm mình vào 6 câu vọng cổ. GS. TS. Trần Văn Khê, từng khẳng định:
“Trong nền cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như “Dạ cổ hoài lang” biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác tập thể, sinh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh khỏe, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.
Theo báo Cà Mau đưa tin vào ngày 19/11/2019, buổi tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang – Góc nhìn người làm báo” nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn Hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019 do Sở Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu kết hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhà báo và Công luận tổ chức, trong buổi khai mạc tọa đàm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang mong muốn thông qua tác động của hệ thống truyền thông sẽ góp phần giới thiệu “Dạ cổ hoài lang” được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- VNExpress – Cao Văn Lầu có phải ông tổ ngành cải lương?
- Trần Chánh Nghĩa – Chuyện tình có hậu của nhạc sĩ “Dạ cổ hoài lang” sau lần trả vợ về ngoại
- Mã Phi – 100 năm “Dạ cổ hoài lang”