Hát xẩm

đăng bởi :

nhóm :

Thể loại

ngày đăng :

chia sẻ ngay :


Giới thiệu


Xẩm là một loại hình dân ca của Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. “Xẩm” còn được dùng để chỉ những người hành nghề hát xẩm. Hát Xẩm xưa thường là một hình thức mưu sinh của những người dân, ngày nay nghệ thuật xẩm được sân khấu hóa và đưa vào phục vụ khách du lịch. Xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố, nơi đông người qua lại. Hát xẩm có tính ngẫu hứng và người biểu diễn có thể bật ra câu hát ngay khi thể hiện.


Nguồn gốc – Lịch sử hình thành

NGUỒN GỐC
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
NGUỒN GỐC
NGUỒN GỐC
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Theo các tài liệu nghiên cứu, hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn.

Theo truyền thuyết, đời nhà Trần, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù lòa nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gảy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua cho mời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình, nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử tên Đĩnh hay Toán. Thái tử con vua Thánh Tông tên là Khảm, sau lên ngôi là vua Nhân Tông; một người con nữa là Tá Thiên vương. Vì vậy nguồn gốc hát xẩm là dựa trên thánh tích chứ không truy được ra trong chính sử. Dẫu sao câu chuyện về vị Tổ nghề xẩm cũng chứng minh (và tự ở xã hội cũ) nguồn gốc và dòng dõi cao quý, rằng những câu ca đàn của xẩm là rất hay, nẩy sinh từ gan ruột và tâm linh con người vua chúa cũng thích nghe; đồng thời nó còn bộc tinh thần lạc yêu đời của lớp người mù lòà, cố vượt qua cảnh ngộ khó khăn mà ngoi lên kiếm sống bằng lao động nghệ thuật của chính mình, cùng dộng nhau yêu nghề, bảo vệ nghề và tin vào tiền đồ của nghề.

Ban đầu, hát xẩm chỉ là một phương tiện kiếm sống của người mù, thường tụ tập ở những nơi đông người như cổng chợ, bến tàu, bến xe, nơi ngã ba đường… để biểu diễn. Họ hát kèm theo đàn nhị, đàn bầu, hoặc gõ phách để giữ nhịp và tạo âm hưởng thu hút người nghe. Đây là hình thức vừa trình diễn vừa xin tiền, mang tính chất sống còn đối với những người hát. “Đối tượng chính hành nghề xẩm là người mù, phần đông là người nghèo khổ, không nơi nương tựa. Họ truyền dạy nghề cho nhau và sống bằng nghề này từ đời này sang đời khác.”

Tuy nhiên, qua thời gian, hát xẩm không chỉ dừng lại ở một sinh kế của tầng lớp yếu thế, mà dần dần được công nhận là một hình thức nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa người Việt. Nhờ lời ca gần gũi, giàu tính trào phúng, ngôn ngữ dân gian dễ hiểu và khả năng truyền đạt cảm xúc mạnh mẽ, hát xẩm đã phát triển và lan tỏa khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Từ thập niên 60 của TK XX đến năm 2013, do tác động của nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, các phường/ hội/ nhóm/ chiếu xẩm dần tan rã. Nghệ thuật hát xẩm đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi, nghệ nhân hát xẩm chỉ còn vài ba người đã bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi. Xẩm được coi là nghề đã không còn đất để sống, nghệ thuật hát xẩm tưởng chừng đã bị lãng quên, thất truyền… Nhưng với sự nỗ lực từ nhiều phía, đó là các truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu, từ chính quyền địa phương từ cấp xã, huyện và tỉnh, các nhà nghiên cứu tâm huyết đã đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại, dần bắt nhịp với cuộc sống đương đại.

Đặc trưng nổi bật


CA TỪ
NHẠC CỤ
SÂN KHẤU
ẢNH HƯỞNG
CA TỪ
CA TỪ
NHẠC CỤ
SÂN KHẤU
ẢNH HƯỞNG

Vì hát xẩm là một hình thức hát rong thuộc dân ca ca Việt nên ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của hát xẩm (do chữ sâm sẩm tối) là những bài luận lý ca hoặc truyện thơ bình dân. Giai điệu của hát xẩm nằm trong ngu cung bắc. Nhịp điệu rất nhanh:

“Sống ở trên đời

Nói mấy sinh ra sống ở trên đời

Biết chăng chẳng biết

Mà chỉ có giời mấy ta

Ta chỉ thăng quan vì nước non nhà

Chính vì non nước vì nhà con nuôi

Chịu bấy lâu cho thế gian cười…”


Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận; nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu… hoặc trữ tình.

Thấy ra, tình yêu trai gái qua hát xẩm thiếu chất nồng ấm đậm đà bay bổng như dân ca huê tình các vùng, do hạn chế của tật nguyền và cuộc sống bản thân nghệ nhân. Nhưng hát xẩm vẫn cho thấy rõ tính hiện thực chiến đấu gắn bó với tính nhân văn trữ tình hoà lẫn với niềm lạc quan cao độ: tin yêu vào cuộc sống con người, và trí lực và khả năng mình, với những ước mơ lãng mạng bay xa. Ở hát xẩm tiếng cười nhiều hơn, thường là át tiếng oán thân. Phải chăng đấy cũng là một khía cạnh đặc thù của hát xẩm, bởi về căn bản, hầu như các bài xẩm đều toát lên lòng yêu đời tha thiết, lòng trân trọng phụ nữ, ước vọng sống lứa đôi trong cuộc đời no đủ. Điểm nữa nổi lên trong nội dung các câu bài của xẩm là tuy không được nhìn thấy cuộc sống trước mắt song nhờ tai nghe vô vàn chuyện nhân tình thế thái, xẩm tỏ ra rất thông cảm với mọi hoàn cảnh mất mát khổ đau của tầng lớp nghèo.

Những bài thơ thường được diễn ca trong hát xẩm: thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính…

Nghệ thuật hát xẩm được xếp vào loại “trung ca” cùng với hát chèo, đặt bên cạnh tuồng là “võ ca” còn ca trù là “văn ca”.

Ông Trưởng Nguyên, ông Bô Ngườn giải nghĩa: “Gọi xẩm là trung ca do nội dung các bài ca của nó nói nhiều đến lòng trung thực và đức hiếu nghĩa của con người. Các ông Trưởng Quới, Trùm Khoản lại nghiêng về nghệ thuật, cho rằng vì xẩm ko dùng hát múa và diễn xuất “mạnh mẽ” như bên tuồng, cũng như ko dựa theo đàn hát để nhằm thưởng văn, khoe giọng như bên ca trù, mà trái lại, nó cố tạo nên số nét riêng, thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh sinh hoạt của lớp người mù loà có năng khiếu văn nghệ nhất định.”

Hát xẩm ở mấy thành phố lớn tuy phạm vi đề tài có rộng hơn, hình thức có phong phú hơn, nhưng nội dung tâm thức không thuần nhất như xẩm hát ở các vùng
nông thôn.

Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và Sênh tiền, nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáo và thanh la cũng có thể hiện diện trong hát xẩm.

I. LOẠI NHẠC CỤ CƠ BẢN.

     1. Đàn nhị

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và cây đàn nhị của mình – dotchuoinon.com

Là nhạc cụ thuộc bộ dây có cung vĩ, do đàn có 2 dây nên gọi là đàn nhị (二). Đàn xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ 10. Ngoài người Kinh, nhiều người dân tộc thiểu số Việt Nam cũng sử dụng rộng rãi nhạc cụ này (Tày, Nùng, Mường, Dao…). Nhị là một nhạc cụ quan trọng, đóng vai trò chủ đạo không thể thiếu trong nghệ thuật hát Xẩm, đàn nhị là linh hồn của một bài xẩm. 

Đàn nhị có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm thanh trong sáng, rõ ràng, mềm mại gần với giọng hát cao (giọng kim). Muốn thay đổi âm sắc hoặc giảm độ vang người ta dùng đầu gối trái bịt một phần miệng loa của bát nhị (khi ngồi trên ghế kéo đàn) hay dùng ngón chân cái chạm vào da của bát nhị (khi ngồi trên phản kéo đàn, trên ghế hay các vị trí ngồi khác). Nhờ những cách này âm thanh sẽ xa vẳng, mơ hồ, tối tăm và lạnh lẽo diễn tả tâm trạng thầm kín, buồn phiền,…

Kỹ thuật đàn khá phong phú, bao gồm từ ngón vuốt, ngón nhấn, ngón láy, ngón chuyền đến cung vĩ liền, cung vĩ ngắt, cung vĩ rời và cung vĩ rung,…

Có tài liệu ghi lại rằng, trước đây người ta đã dùng đàn Bầu để đệm cho hát Xẩm nhưng sau này đã phát hiện ra đàn Nhị, tiếng đàn Nhị to hơn, phù hợp với chỗ đông người, đàn nhỏ gọn, tiện cho việc di chuyển… Trong hát Xẩm, đàn Nhị được sử dụng hết sức linh hoạt, mang nhiều tính ngẫu hứng. Tiếng đàn và giọng hát đan xen hòa quyện với nhau, lúc trầm, lúc bổng… 


     2. Sênh 

Sênh Tiền – Ảnh sưu tầm

Sênh nứa – Ảnh sưu tầm

Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc).

Có hai loại là: Sênh sứa hoặc Sênh tiền.

Sênh tiền: là một cặp phách hai lá bằng gỗ cứng. Lá phách thứ nhất gọi là “lá phách kép“, lá phách thứ hai gọi là “lá phách đơn“. Lá phách kép gồm hai thanh gỗ một dài (25 cm), một ngắn (11 cm) được gắn úp vào nhau bằng một miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách đơn dài 25 cm có các đường rǎng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách. Khi đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa rung, vừa quẹt tạo ra các tiết tấu nghe rất rộn ràng. Sênh tiền chủ yếu dùng đệm nhịp điệu ở các dàn nhạc tế, lễ, dàn đại nhạc cung đình và nhạc múa cổ truyền.

Sênh sứa: là loại phách gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng 14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt. Cặp Kè tiếng trong, dòn, vui tươi, có những tiếng rung rất độc đáo. Khi biểu diễn Sênh Sứa, người chơi cầm đôi Cặp Kè trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp vào nhau, cặp kè thường sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện, lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh hấp dẫn. Sênh Sứa thường được sử dụng trong Ban nhạc Xẩm, đi cùng với Mõ tre nghe rất bình dị, hài hòa.

II. CÁC LOẠI NHẠC CỤ KHÁC

     1. Trống mành

Trống mành – Thông tấn xã Việt Nam

Trống Xẩm hay còn gọi là trống mảnh, là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt. Trống có vai trò giữ phách, trong một bài xẩm trước hết đều phải dạo trống, sau khi tiếng trống dứt là đến đàn nhị và sau đó là vào phách. Trống mảnh còn gọi là Bồng bộc, thuộc nhạc cụ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt. Tang trống bằng gỗ, cao khoảng 6 cm. Trống chỉ có một mặt, bịt bằng da, đường kính 10 cm. Đáy rộng hơn, đường kính 15 cm không bịt da. Dùi trống làm bằng gỗ cứng dài 20 cm.

Khi diễn tấu trống mảnh được gõ bằng một dùi. Âm thanh trống mảnh đục, không vang. Trống mảnh thường tham gia hòa tấu trong dàn tiểu nhạc, đặc biệt thường dùng trong hát xẩm.

2. Phách

Phách – Wikipedia


Phách là nhạc cụ gõ, xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở Việt Nam từ lâu đời. Phách có nhiều loại và tên gọi khác nhau. Trong hát xẩm phách gọi là cặp kè; trong cải lương và dàn nhạc tài tử phách là song lang; trong ca Huế phách là sênh, còn trong dàn nhạc tuồng, đám ma, múa tôn giáo và múa dân gian người ta mới gọi là phách…

Nhiệm vụ của phách trong một chiếu xẩm là giữ nhịp cho dàn nhạc, người hát.

3.  Đàn bầu

NSND Xuân Hoạch hát xẩm cùng chiếc đàn bầu – Youtube Hat Xam NSND Xuan Hoach

Thuở hàn vi, cây Đàn Bầu đơn sơ đã gắn liền với nghệ thuật hát Xẩm. Lúc bấy giờ, cây đàn thể hiện vai trò của mình trong việc đệm hát hoặc độc tấu. Sau do đàn nhị dễ chơi hơn và có âm lượng tốt hơn (phù hợp với chỗ đông người) nên thường được sử dụng. Đàn bầu là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. 

Thời nhà Lý, Đàn Bầu được dùng để đệm cho người hát xẩm, làm thanh bồi cho các khúc ca dân dã của nam thanh nữ tú tuổi tâm tình, của người già khắc khổ trong chuyến hành hương cuộc đời gian nan, của trẻ em hồn nhiên với tuổi thơ đầy bươn chải.

4.  Đàn gáo

Đàn gáo – Nhạc cụ Tiến Mạnh

Để thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo (còn được gọi là đàn Hồ). Đây là loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. Người ta dùng nó để đệm cho các giọng nam trung, nam trầm, nữ trung (còn gọi là giọng thổ), diễn tả những âm điệu suy tư, trầm mặc hoặc những giai điệu buồn. 

5. Thanh la

Thanh La – dotchuoinon.com


Thanh la là tên gọi một nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. ở miền Nam gọi là Đẩu, miền Trung gọi là Tang. Được làm bằng đồng kim hợp thiếc có pha chì, hình tròn. Thanh la có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính 15 – 25 cm, mặt hơi phồng, xung quoanh có thành cao 4 cm, ở cạnh thanh la người ta dùi hai lỗ thủng để xỏ một sợi dây quai. Khi diễn tấu nhạc công cầm dây quai dơ lên, còn một tay cầm dùi gõ vào mặt thau tạo ra tiếng vang, trong trẻo.

6.  Đàn đáy

Đàn đáy – vietnam-culture.com

 Hát xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị.

Đàn đáy là một nhạc cụ do dân tộc Việt Nam sáng tạo ra. Không rõ đàn đáy xuất hiện lần đầu vào năm nào nhưng nó được nhắc đến gần 200 năm qua. Đàn đáy có tên gốc là “đàn không đáy” tức “vô đề cầm“, vì nó không có đáy (hậu đàn). Do đó người ta gọi tắt là đàn đáy lâu ngày thành tên chính thức như hiện nay. Một giả thuyết khác cho rằng nhạc cụ này có dây đeo bằng vải, dây này trong chữ Hán là “đái” (đai) nên mới gọi là “đàn đái”, đọc chệch lâu ngày thành “đàn đáy”

7.  Trống cơm

NSND Xuân Hoạch và nghệ nhân hát xẩm với đàn hồ và trống cơm – baomoi.com


Từ thế kỷ 10, trống cơm đã xuất hiện ở Việt Nam (đời nhà Lý). Đây là nhạc cụ gõ, định âm, còn có tên gọi khác là phạn cổ (phạn là cơm, cổ là trống). Trong các ban nhạc tuồng, chèo và ban nhạc tang lễ ngày xưa có loại trống này. Nhiều ban nhạc ngày nay cũng sử dụng trống cơm, trong đó có Hát xẩm.

Trước khi đánh trống người ta thường lấy cơm nghiền nát, trét vào giữa mặt trống để định âm, do đó trống này gọi là “trống cơm”.

Các nhạc cụ thể hiện vai trò của mình trong một chiếu xẩm qua các bài xẩm, mời các bạn cùng thưởng thức!

Xẩm theo Đảng trọn đời – NSUT Hà Thị Cầu 2011

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở những tụ điểm dân cư đông đảo, người ta thường gặp từng tốp nhỏ, chồng xẩm theo vợ (hoặc con), hoặc cả vợ và con dắt nhau đi hát kiếm tiền. Một hình ảnh thường thấy ngày xưa đó chính là những bác xẩm mù loà ngồi trên mang chiếu nát, đem hết tâm trí phả vào câu hát ngón đàn, mong làm vui lòng thích tai những người nghe, xem đứng vây quanh, chờ họ thưởng cho đồng tiền, bát gạo tuỳ lòng.

Về cơ cấu nghệ thuật, hát xẩm có số nét riêng đáng lưu ý. Bên cạnh sự độc đáo là do những người mù loà thực hành sáng tạo, hát xẩm nằm trong loại hình hát nói kể chuyện, giai điệu hình thành chủ yếu dựa theo thanh điệu và ngữ điệu lời văn, nhiều tính tự sự, nên câu nhạc không chịu khuôn theo một hạn độ cố định, song vẫn rõ ra từng trổ (còn gọi là khổ), từng vế trống mái, nhấn vào những quãng xuyên tâm (đoạn nhạc không có lời giữa vế), lưu không (đoạn nhạc không có lời cuối trổ) để nghệ nhân nghỉ thở và trổ tài đan.

Gọi hát xẩm là loại ca nhạc đặc biệt còn vì hát xẩm đã mang ít nhiều yếu tố diễn xuất khi thể hiện. Thử xem xẩm đàn hát một bài huê tình, nghệ nhân thân mình rướn lên, đầu ngẩng cao, mắt nhìn ngước như thấu vào quãng không, tay uốn nhấn vòi đàn, tay bật que, miệng hát sôi nỏi nhiệt tình, tình cảm điệu bộ lên xuống khớp từng câu, từng đoạn. Nhất là khi xẩm hát loại bài hài hước châm biếm, thì chưa nói nội dung lời mà nhìn điệu bộ nghệ nhân với cái đầu nghênh nghênh, đôi “mắt” hấp hem nghịch ngợm, điểm những tiếng đàn uốn éo lá rơi vào các từ mang dấu hỏi, ngã, nặng, người nghe xem đã đủ bật cười. Đúng ra, đây mới là số điệu bộ đơn giản song vì những động tác này do người tật nguyền thể hiện nên được khách xem tán thưởng, coi trong.

Hát xẩm đòi hỏi phải tôn trọng những đặc điểm của tiếng nói khi cấu trúc giai điệu, làn điệu cũng như khi nói lối. Nghề xẩm thì yêu cầu đàn ngọt, hát chín. Đàn ngọt là phải diễn tấu thuần thục tinh tế, nảy trúng trọng âm, giữ cho liên tục dòng thanh âm mà xẩm đang phô diễn, bồi đắp nâng giấc cho lời hát thêm đầy đặn vang ấm. Ở các đoạn xuyên tâm lưu không phải tấu nhạc sao cho liền hơi, liền ý, gây cảm giác vừa như tạm khép một ý tình, vừa như gợi mở ở khách nghe sự chờ đón một thứ mới sắp tới. Tiếng hát cũng phải nghe rõ từng lời, vừa ngọt mà cũng vừa thanh, vừa trong, vừa ấm, lại vang ngân nhưng phải đậm tình.

Lời ca của những bài xẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc và quan hệ mất thiết với tục ngữ, dân dao, dân ca, dân nhạc vùng châu thổ sống Hồng, đúng ra vùng trung châu và đồng bằng phía Bắc, nên mang hầu hết đặc điểm của văn hoá dân gian, khi vận dụng ngôn ngữ quần chúng đầy sáng tạo, kết hợp khôn khéo tiếng hát với tiếng nhạc cùng với số động tác tuy còn đơn giản nhưng thuần phác. Những bài xẩm được hoàn thiện dần trên đường xẩm hành nghề, do sự đóng góp, trau chuốt của lớp lớp nghệ nhân truyền đời.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, xẩm luôn có vai trò và tầm ảnh hưởng nhất định đối với nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Được biết tới là hình thức hát rong phổ biến trong xã hội phong kiến trước đây, xẩm không chỉ là phương tiện kiếm sống của người khiếm thị, mà còn là hoạt động giải trí của người nông dân lúc nông nhàn.

Hát Xẩm thời xưa – Wikipedia

Với người hát Xẩm, họ dùng giọng ca, tiếng đàn, lời hát để lên án phản kháng những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Ngoài ra còn phải kể đến những bài Xẩm có nội dung khích lệ tinh thần yêu nước, một lòng với Đảng trong thời kỳ đất nước mưa bom, đạn lạc,…qua những lời hát Xẩm, những người nghệ sĩ đã phần nào truyền tải đi những thông điệp hết sức ý nghĩa về nhiều khía cạnh của xã hội.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, ngay từ khi ra đời, xẩm luôn là một “kênh” thông tin thời sự bằng âm nhạc, được dùng để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, truyền tải những thông điệp mang tính thời sự của xã hội. Còn nói về giá trị của nghệ thuật hát Xẩm, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đánh giá: Nghệ thuật hát xẩm đã sáng tạo cho âm nhạc Việt Nam một hình thức âm nhạc gọi là “âm nhạc xẩm” với cả một hệ thống các làn điệu khác nhau.

Trong hệ thống làn điệu của xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Quan Họ và thậm chí Ca Trù đều phải “vay mượn”, như các điệu xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm xoan… Bài xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò). Nói vậy để thấy các nghệ sỹ giáo phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật xẩm, họ vẫn giữ chữ “xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

Qua đó có thể thấy rõ, Xẩm đã và đang tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng của mình đối với mọi khía cạnh của xã hội và từng bước nâng cao vị thế đó.


Hát Xẩm ngày nay


Nghệ thuật Xẩm Việt Nam hiện nay đã có nhiều thay đổi, bên cạnh những bài Xẩm cổ như: Xẩm thập ân, Xẩm chợ, Xẩm tàu điện…, gần đây, các nghệ sĩ cũng sáng tác nhiều bài Xẩm mới, với lời hát thể hiện cái nhìn của giới trẻ về cuộc sống. Theo nhiều nhà nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này, những thay đổi song song với việc phát triển Xẩm cổ đã và đang đưa hát Xẩm đến với nhiều đối tượng khán thính giả hơn, bên cạnh đó cũng góp phần bảo tồn và phát triển phong phú, đa dạng loại hình nghệ thuật của cội nguồn dân gian. Điều này thể hiện rõ trong những năm trở lại đây, Xẩm đã trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong và ngoài nước.

Ngoài ra, việc bảo tồn và gìn giữ lại những nét tinh túy nhất của Xẩm cổ cũng rất quan trọng. Hiện nay, rất nhiều các câu lạc bộ ở các tỉnh thành phía Bắc được lập ra nhằm mục đích truyền dạy lại bộ môn hát Xẩm, có thể kể ra như: Câu lạc bộ Xẩm Yên Nhân (Yên Mô, Ninh Bình), Câu lạc bộ Xẩm xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình), Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành (Hà Nội), Câu lạc bộ Xẩm chợ Đồng Xuân (Hà Nội),…Đặc biệt Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam còn tổ chức dạy hát Xẩm miễn phí cho những người muốn học, với mong muốn nghệ thuật hát Xẩm ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là các bạn trẻ. 

Nhóm Xẩm Hà Thành – dantri.com.vn

 Bên cạnh những nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày nay, các ban, sở và cơ quan chính quyền đã có những chính sách và động thái nhằm đưa hát Xẩm đứng đúng vị trí vốn có của một loại hình nghệ thuật dân gian.  

Hay Tỉnh Ninh Bình cùng các tỉnh khu vực phía Bắc đang có những nỗ lực đệ trình UNESCO công nhận hát Xẩm là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xẩm, từ ngày 3 đến 5-12, Liên hoan các câu lạc bộ hát Xẩm khu vực phía Bắc lần thứ I – năm 2019 diễn ra tại tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của 15 câu lạc bộ hát Xẩm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.

 Liên hoan câu lạc bộ hát Xẩm – baoninhbinh.org.vn

Đây chính là thành quả của việc nỗ lực bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm đến từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ. Đây là hoạt động mang tính “chính danh” đầu tiên cho nghệ thuật hát Xẩm sau 15 năm các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và đưa hát Xẩm trở lại với công chúng. Không những thế, hát Xẩm còn trở thành “sứ giả văn hóa” được các nghệ sĩ mang ra nước ngoài biểu diễn. Các nghệ sĩ đã mang Xẩm đi giới thiệu và biểu diễn ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Có cộng đồng người Việt ở nước ngoài vì mê Xẩm nên cũng đã thành lập câu lạc bộ hát Xẩm. Có những sinh viên nước ngoài còn xin học bổng để sang Việt Nam học hát Xẩm.

Với các hoạt động truyền dạy hát Xẩm, biểu diễn, phục vụ các sự kiện và biểu diễn phục vụ khách du lịch cùng nỗ lực từ hoạt động của các cơ quan chức năng ở địa phương, nghệ thuật hát Xẩm đang được bảo tồn, phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

  1. Hát xẩm – Wikipedia Tiếng Việt
  2. Đặc khảo về Dân nhạc ở Việt Nam – Phạm Duy
  3. Tìm hiểu nghệ thuật Hát xẩm – Trần Việt Ngữ
  4. Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. – Trần Văn Khê (2004)
  5. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long
  6. Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan
  7. Hát Xẩm, loại ca nhạc đặc biệt của người mù Việt Nam – Trần Việt Ngữ
  8. Đặc khảo về Dân nhạc ở Việt Nam – Phạm Duy
  9. 15 câu lạc bộ tham gia Liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc 2019 – Báo Dân Trí
  10. Liên hoan Hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc – Ninh Bình: Cuộc hội ngộ của những người yêu nghệ thuật Hát Xẩm – Báo Ninh Bình
    • ạn trong âTrần Việt Ngữ. “Hát Xẩm, loại ca nhạc đặc biệt của người mù Việt Nam”.m nhạc truyền thống Việt Nam. – Trần Văn Khê (2004)