Giới thiệu
Triều Nguyễn (1802 -1945) là thời kỳ mà nghệ thuật Tuồng phát triển rực rỡ tại nước ta. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật có khi đến trăm buổi, nhiều kịch bản Tuồng đã ra đời, phong phú về nội dung, đa dạng về tích truyện. Trong số đó, có những pho kịch bản mang giá trị lịch sử và nghệ thuật to lớn với hàng trăm hồi kịch, là minh chứng rõ nét cho tài năng của các tác giả đương thời. Quần phương tập khánh là một ví dụ điển hình, thể hiện được sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật Tuồng dưới triều Nguyễn cũng như nét tinh hoa của sân khấu cổ truyền Việt Nam.
Tuồng trường thiên
Sáng tác kịch bản, trong đó có Tuồng là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức. Văn thần dưới thời Nguyễn cũng từng nhận định “soạn tuồng ắt phải học rộng hiểu nhiều”. Khó khăn là vậy, nhưng ở thời kỳ hoàng kim của mình, Tuồng vẫn thu hút được lực lượng sáng tác gồm nhiều vương hầu, quý tộc, quan lại và trí thức xuất sắc đương thời. Thậm chí, nhiều kịch bản Tuồng còn được đích thân hoàng đế chỉ đạo nhằm tập hợp, chỉnh lý và nhận xét. Những sáng tác này không những có tính giá trị cao về văn học và thẩm mỹ và còn thể hiện được đậm nét tính chất quan phương của triều đình.
- Bối cảnh xuất hiện
Dưới thời Nguyễn, Tuồng thường được biểu diễn trong những dịp như a, b và c. Để phục vụ cho những sự kiện này, theo TS. Nguyễn Tô Lan, có hai loại kịch bản Tuồng được phát triển, đó là “loại tuồng vặt trên dưới năm hồi hay tuồng đại quan lên tới bảy tám chục hồi và ở trình độ quan phương hóa cao nhất của nó đã sản sinh ra loại tuồng trường thiên.” Nhìn chung, tuồng trường thiên manh nha từ thời vua Minh Mạng và đặc biệt phát triển dưới thời Tự Đức.
- Đặc trưng
Đặc trưng thứ nhất là tính đồ sộ. Tuồng trường thiên dài tới bảy tám chục hồi, gồm nhiều nhân vật, lời thoại, thích hợp cho những sự kiện kéo dài hàng trăm đêm mà chỉ cấp nhà nước mới tổ chức được.
Bên cạnh đó, Tuồng trường thiên còn có tính văn học đậm đặc. Theo Đạm Phương nữ sử, một số pho tuồng trường thiên như Vạn bửu trình tường, Học lâm, Nha ngẫu, Hàm hòa,… phần nhiều do các Hoàng thân, các quan Nội các có trình độ cùng tham dự vào làm, mỗi người được đặt một đôi hồi trình vua ngự lãm và duyệt y. Vì vậy, kịch bản thuộc thể loại này còn được gọi là Tuồng ngự chế, tuân theo những quy định của triều đình, được chính thống hoá văn bản và mang trong mình nhiều giá trị nội dung sâu sắc.
Quần phương tập khánh
Theo Tôn Thất Bình (trong Tuồng Huế), “Quần phương hiến thuỵ, còn có tên là Quần phương tập khánh hay Quần phương hiến thoại hoặc gọi gọn hơn là Quần phương”. Đây là một tác phẩm kịch hát đặc biệt trong nghệ thuật Tuồng Huế, nổi bật bởi sự hoành tráng về cả độ dài lẫn nội dung. Vở diễn được cho rằng đã ra đời dưới thời vua Tự Đức (1848–1883), do các đình thần triều Tự Đức biên soạn. Tác phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu biểu diễn trong hoàng cung mà còn là biểu tượng cho sự tài hoa và sáng tạo của người Việt xưa.
- Bối cảnh khảo cứu hiện tại
Theo TS. Nguyễn Tô Lan, hiện nay chúng ta chỉ có thể tiếp cận được với 6 văn bản của năm hồi đầu tiên thuộc tác phẩm Quần phương tập khánh. Trước đây, GS. Hoàng Châu Ký cũng nhận định như vậy trong Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng: “Vở Quần phương lấy tên các thứ hoa để đặt tên cho nhân vật kịch như Mẫu đơn, Bạch cúc, Tường vi. Hiện nay chúng tôi chưa sưu tầm được pho tuồng này nên chưa có thể tra cứu đầy đủ.” Ngay cả trong mục từ “Quần Phương Hiến Thụy”, Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam chỉ mô tả sơ lược và kết luận: “Rất tiếc là hiện nay cả pho tuồng chỉ còn mỗi một hồi Hải Đường – Thạch Trúc. Những hồi khác thất lạc ở đâu chưa tìm thấy”. Trong bài “Khải luận văn học tuồng (hát bội) của Hoàng Châu Ký viết chung cho tập 11, 12 Tổng tập văn học Việt Nam cũng thừa nhận “Cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy pho nào hoàn chỉnh, chỉ đọc được một ít thôi của pho Vạn bửu trình tường và pho Quần phương hiếu thuỵ người sau chép lại, không ghi tên tác giả”. Chính vì tình trạng tản mát và hiếm có của văn bản nên bộ tuồng Quần Phương tập Khánh, dù đã được thừa nhận giá trị trong văn chương tuồng hát thời Nguyễn, nhưng trước sau nó mới chỉ được mô tả sơ lược trong các tài liệu nghiên cứu về tuồng nói chung hoặc tuồng Huế, tuồng cung đình Huế nói riêng.
- Sơ lược về cấu trúc và nội dung
Về cấu trúc, Quần phương tập khánh là tác phẩm tuồng nhiều hồi, vượt lên trên kết cấu cơ bản chỉ giới hạn trong 3 tới 5 hồi hiếm hoi còn lại của triều Nguyễn.
Về nội dung, đây là tác phẩm được biên soạn dưới chỉ dụ của vua triều Nguyễn, dùng tên các loại thảo mộc để đặt tên nhân vật, cốt truyện hoàn toàn sáng tạo, không vay mượn từ Trung Quốc. Vở diễn đặt bối cảnh tại Hương quốc, một vương quốc giả tưởng với hệ thống nhân vật đồ sộ. Những nhân vật này có đặc điểm tính cách và phương thức hành xử phụ thuộc vào tính chất của loài thảo mộc mà nhân vật đó mang tên, chẳng hạn như Mẫu Đơn, Hải Đường, Thạch Trúc, hay Mạt Lỵ. Ở những hồi đầu, việc xây dựng hình tượng nhân vật đặc biệt chú trọng vào những người thuộc tầng lớp quan lại, quý tộc.
Bên cạnh đó, những loài thảo mộc trong Quần phương tập khánh đều là loài có dược tính. Điều này dẫn đến nhận định rằng tác phẩm có khả năng ra đời dưới thời vua Tự Đức. Vốn là người bẩm sinh có thể trạng sức khoẻ nhiều bệnh tật, vua Tự Đức rất quan tâm đến phương diện y học. Theo TS. Nguyễn Tô Lan, “Tự Đức vốn được đánh giá là một ông vua có văn tài hơn võ trị và có niềm đam mê văn chương cũng như để lại nhiều tác phẩm có giá trị thì việc vua tụ họp đình thần đem các loại thảo mộc làm thuốc ra để xây dựng thành một vở tuồng là một điều dễ hiểu. Nhất là khi thân mẫu, người có ảnh hưởng lớn tới Vua Tự Đức – Từ Dụ Hoàng Thái hậu là một người rất mê hát tuồng”.

- Giá trị của tác phẩm Quần phương tập khánh
Quần phương tập khánh là một trong ba bộ tuồng trường thiên nổi tiếng dưới thời Nguyễn, được truyền tụng là có hơn trăm hồi, diễn liền trong hàng trăm đêm. Qua các tư liệu gián tiếp có thể thấy được ở thời đại của nó, Quần phương tập khánh có một vị trí khá quan trọng trong sinh hoạt văn học tuồng cũng như biểu diễn tuồng tại Huế. Cho tới nay, các nghệ nhân tuồng Huế vẫn còn truyền tụng những lớp diễn kinh điển trong Quần phương tập khánh như là “Kim bộ Diêu/ Dao bị đau”, “Kim Bộ Diêu cứu Hải Đường, Thạch Trúc” hay “Mai Lục Ngạc che dù” xứng đáng làm mẫu mực trong nghề tuồng. Tiếc là thời gian không trân quý cái đẹp, vở tuồng vốn được xưng tụng là có hơn trăm hồi diễn liền trong hàng trăm đêm nay chỉ còn lại 6 văn bản của năm hồi đầu tiên.
Nhìn chung, Quần phương tập khánh không chỉ đơn thuần là một vở tuồng cổ mà còn là di sản văn hóa quý giá, đem đến cái nhìn về xã hội và nghệ thuật thời Nguyễn. Tác phẩm góp phần phản ánh thời đại cũng như những giá trị nhân văn và thẩm mỹ. Việc nghiên cứu, tìm hiểu cũng như tiến hành phục dựng những trích đoạn hiện tồn của vở kịch giúp bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử, khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ thời nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Tô Lan (2012), Những tàn bản trân quý của bộ tuồng cung đình Nguyễn-Quần phương tập khánh, Tạp chí nghiên cứu và phát triển
2.Nguyễn Tô Lan (2014), Khảo luận về tuồng Quần Phương Tập Khánh, NXB Thế giới